Điều mọi người cần biết về hệ thống thoát nước trong nhà
Hệ thống thoát nước trong nhà rất quan trọng khi thiết kế và xây dựng một ngôi nhà. Hãy tìm hiểu thông tin về hệ thống thoát nước dưới đây bạn nhé.
Trước đây, hệ thống thoát nước trong nhà người ta thường tập trung toàn bộ các loại nước thải như nước mưa, nước thải sinh hoạt (từ khu vệ sinh, bếp,v.v…) vào một bể phốt rồi từ đó dẫn vào hệ thống cống thành phố. Những ngày mưa, lượng nước từ trên mái chảy xuống rất nhiều , làm chất rắn trong bể phốt chưa kịp tiêu hủy đã phải trôi theo cống, gây tắc cống, đồng thời bốc mùi qua các nắp ga, miệng phễu thu. Thậm chí nước có thể dềnh ngược lên sàn khu vệ sinh tầng một, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ngoài ra, mùi xú uế bốc lên cũng là một vấn đề khó giải quyết.
Hệ thống thoát nước hiện dùng
- Do tính bất tiện của hệ thoát nước kiểu cũ, nên hiện nay, người ta phải chia đường thoát nước ra hai loại riêng biệt: hệ thống thoát mưa và hệ thông thoát nước thải sinh hoạt mang theo chất thải rắn và lỏng. Hai hệ thống này cần phải được tách rời nhau.
- Nước thải sinh hoạt là loại nước thu từ các thiết bị nhà bếp, bồn tắm, sàn khu vệ sinh. Nước thải sinh hoạt có thể dẫn thẳng vào đường cống chung. Nước thải vệ sinh là nước từ bàn cầu đêm theo chất thải rắn cần được xử lý qua bể phốt. Sau một thời gian nhất định, các vi sinh vật yếm khí có trong bể phốt sẽ phân hủy các chất thải rắn làm lắng đọng xuống đáy bể. Phần nước nổi lên bề mặt chảy theo cống ra ngoài.
Phân tách đường thoát hợp
- Các phễu thu, ga cống trên mặt sàn vệ sinh, bồn tắm đều thoát nước trực tiếp không qua bể phốt để tránh xà phòng trong nước tiêu diệt các loại vi sinh vật kỵ khí trong quá trình lên men của bể phốt. Nước thải từ các chậu xí, tiểu trước khi xả ra hệ thống thoát nước chung phải được xử lý qua bể tự hoại. Không nên để ống thoát nước mưa nổi trên mặt sân, rồi lại chảy vào phễu thu của sân mà nên đi chìm thẳng xuống cống.
Quyết định vị trí đường ống đứng
- Một ngôi nhà thường có các khu vực dùng nước chính là khu vệ sinh và khu bếp. Bố trí các khu vực này ở tập trung theo phương ngang và phương thẳng đứng giúp tiết kiệm nguyên vật liệu, áp lực cấp và thoát nước tốt, đỡ gây ồn và tiết kiệm năng lượng (cho các ống dẫn nước nóng).
- Những đường ống chính chạy suốt chiều cao nhà , thường nằm trong các khu vệ sinh, ở góc tường gần các thiết bị có lưu lượng nước thải lớn như bồn tắm, bàn cầu. Đường ống nhánh thoát nước không được lộ ra dưới mặt trần của các phòng tầng dưới.
Kích cỡ và độ dốc phù hợp
- Hệ thống thoát nước trong nhà chỉ dựa vào trọng lực nên đường ống thoát cần lớn hơn nhiều lần so với đường ống cấp. Lưu ý đến độ ma sát các chất thải gặp phải trong đường ống nằm ngang, các đoạn vòng và các vị trí khớp nối nên phải có độ dốc. Ống càng nhỏ càng cần độ dốc nhiều để dễ thoát nước. Mỗi bồn tắm phải có ống thoát ngang với độ dốc tối thiểu là 0,01 – 0,03 %.
- Phễu thu nước thải (đường kính tối thiểu là 50 mm) phải nhanh chóng thu hết nước thải trên sàn trong bồn tắm, khu vệ sinh. Nhà có diện thích mái khoảng 60 m2, đường kính ống thoát nước mưa tối thiểu là 50 mm. Diện tích mái tới 100 m2, nên dùng ống có đường kính 90 mm. Đường kính tối thiểu của ống đứng thoát nước bên trong nhà 75 mm, của ống đứng thoát phân, nước tiểu từ các khu vệ sinh là 100 mm.
Xi phông bẫy nước, miệng thăm dò và ống thông hơi
- Các thiết bị vệ sinh và thiết bị thu nước thải phải có ống xi phông ngăn hơi độc không cho xông ngược lên thiết bị. Xi phông phải đảm bảo chiều cao lớp nước lưu không dưới 5 cm và có bề mặt bên trong trơn nhẵn. Các lỗ thu nước (phễu thu, ga cống) phải có nắp che chắn, không để lọt rác chui vào làm tắc ống.
- Nên bố trí một miệng thăm cách mặt sàn tầng 1 khoảng từ 0,7 m đến 1,0 m, có nắp đậy chặt để dễ dàng sửa chữa khi có sự cố. Cũng nên đặt ống kiểm tra hoặc lỗ thông tắc trên các đường ống nhánh. Miệng thông tắc được đặt ở đầu cùng của ống thoát ngang, chân ống đứng và không được rò rỉ nước, không cản trở dòng chảy và thuận tiện cho công tác thông tắc.
- Hệ thống thoát nước phải có ống thông hơi nhưng không được nối chung với ống thông gió và thông khói. Ống thông hơi chính phải đặt thẳng từ bể phốt lên mái, cao vượt khỏi máo 0,7 m đến 1,2 m và có đường kính nhỏ hơn ống thoát nước. Đoạn trên cùng lắp ống chữ T để nước mưa không lọt vào. Bể phốt không có ống thông hơi sẽ rất nguy hiểm khi khí thải bị nén lại. Đã có trường hợp bể phốt quá kín, khí lâu ngày tích tụ dẫn đến phá tung nắp bể.
Thi công hệ thống thoát nước trong nhà tuy đơn giản nhưng rất cần chú ý nguyên lý có độ dốc và các bẫy nước tránh ô nhiễm môi trường sống. Các ống đứng phải có ống thông hơi để thoát khí thải, làm nước lưu thông dễ dàng.